BÀI NỔI BẬT
Cách Hà Nội 200km về phía Tây Bắc, Mộc Châu là một vùng cao nguyên nằm trên độ cao 1050m so với mặt biển, trải dài hơn 80km, rộng 25km với hơn 160ha đồng cỏ.
Đây là nơi tập trung nhiều nhất những tiềm năng du lịch của tỉnh Sơn La với những đồng cỏ dài ngút mắt, những đồi chè xanh thẳng tắp chân trời và những bản làng người Thái thân thiện. Khí hậu là tài nguyên quý nhất của vùng đất này, mang đặc điểm của khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ.
Trong hơn 50 năm qua, tài nguyên khí hậu và địa hình đã biến Mộc Châu thành nông trường chăn nuôi bò sữa lớn nhất ở Tây Bắc và là nơi cung cấp cho cả nước những con bò sữa giống tốt có năng suất và chất lượng sữa cao.
Đến đây, bạn có thể đến thăm nông trường bò sữa, thưởng thức ly sữa bò tươi và nghe kể chuyện chăn nuôi bò sữa. Hằng năm ở đây còn có cuộc thi "Hoa hậu bò sữa" để chọn ra con bò đẹp nhất, cho sữa ngon nhất trên toàn nông trường.
Ngoài đồng cỏ và đồi chè, Mộc Châu cũng có những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, đầu tiên có thể kể đến động Sơn Mộc Hương, hay còn gọi là Hang Dơi, một danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia.
Từ thị trấn Mộc Châu, ngược đường lên thị xã Sơn La khoảng 300 m, Hang dơi ở phía núi bên tay phải, cách quốc lộ 6 khoảng 150 m. Cửa hang quay về hướng nam nhìn xuống thung lũng lớn, ở giữa thung lũng lớn gồm bảy quả núi nhỏ tựa như bảy viên ngọc.
Tương truyền thuở xưa có một con rồng bay về phương nam. Khi bay qua
vùng đất này, vì gió rét rồng không chịu nổi đã gục ngã tại nơi đây. Trước khi chết rồng nhả ra bảy viên ngọc và hóa thành dãy núi đá, bảy viên ngọc hóa thành bảy quả núi. Ngày nay rồng vẫn quay đầu về phía bảy viên ngọc như còn nuối tiếc ngày nào. Cửa hang như vào miệng một con rồng khổng lồ. Lối vào hai bên tựa như hai mép rồng. Ở giữa cửa ta thấy một hòn đá nhô ra tựa như lưỡi rồng. Từ trần hang rủ xuống những dải nhũ thạch lấp lánh đủ bảy sắc cầu vồng, nhiều khối nhũ đá cao tới hơn 20m như những rễ cây đa cổ thụ rủ xuống mặt đất. Ngoài ra còn rất nhiều nhũ đá mang dáng cây đồng tiền, cây thóc, hình ông tiên, cô tiên, con voi, sư tử, hổ, kỳ đà, đại bàng và cả những đám mây bay lượn. Phần hang trong cùng có một số di vật khảo cổ học như rìu mài lưỡi, gốm... của người Việt cổ cách ngày nay 3000 - 3500 năm.
Rời Hang Dơi, chúng ta có thể đến thăm một danh thắng khác của Mộc Châu là thác Dải Yếm, tên gọi khác của thác nước Bản Vặt, một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú của người Thái.
Thác khởi nguồn từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu ở đầu bảng Vặt. Nước từ trong suối chảy ra tạo thành suối Vặt, chạy được khoảng 5km thì hòa cùng với dòng chảy của suối Bó Sập giáp với biên giới Việt Lào chảy về Yên Châu tạo thành thác với tên gọi là Dải Yếm. Ngược theo suối một đoạn, bạn sẽ thấy hàng ngàn viên đá, tảng đá muôn hình nằm la liệt trên triền suối. Trèo lên đỉnh thác sẽ bắt gặp một thảm thực vật phong phú và tuyệt đẹp. Thác Dải Yếm đẹp nhất là vào những tháng 4 đến tháng 9 hằng năm bởi trong những tháng này nước đủ nên toàn bộ thác rộng 70m
Từ thác nước Vặt ngược trở lại quốc lộ 43 khoảng 600m và rẽ về phía tay phải theo đường dân sinh khoảng 300m thì bạn sẽ vào bản Vặt. Đây là một bản có lịch sử lâu đời nhất của tộc người Thái, cư dân trong bản vẫn lưu giữ được các yếu tố tộc người truyền thống như: nhà sàn và cách bài trí trong nhà, trang phục truyền thống; kinh tế ruộng nước và nương dãy, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa ẩm thực.
Nếu các bạn thích và muốn nghe, hãy nán lại bản Vặt, vào nhà sàn nghe người già kẻ chuyện sự tích lập bản và thưởng thức nồi lẩu chân gà đen đặc sản của dân tộc Thái.
Tín đồ làm đẹp
Vui sống
Nấu gì hôm nay
Bạn cần biết
SSM TV
SSM Club